Description
Cách làm mứt dừa
1. Nguyên liệu:
– Cùi dừa non: 1kg
– Đường: 500gr
– Sữa tươi (hoặc sữa đặc): 1 túi 200gr
– Các loại vị tạo màu sắc : Bột trà xanh: 2 thìa cà phê, Bột cacao: 2 thìa cà phê, Bột vani: 2 thìa cà phê
2. Mẹo chọn dừa:
Để có mứt dừa ngon thì bên cạnh nắm được cách làm mứt dừa non đúng chuẩn còn phải đảm bảo lựa chọn được đúng loại dừa non. Tránh sử dụng dừa bánh trẻ, dừa già bởi vì như vậy sẽ làm mất đi hương vị đặc trưng của dừa non.
Dừa non thường có cùi mềm, mỏng, nước ngọt và khi nhai cùi sần sật rất ngon. Bề ngoài dừa non có da mềm, vỏ màu xanh tươi, lấy móng tay bấm vào cùi dễ dàng, ăn có vị ngậy và sữa thơm đặc trưng. Ngoài cùi, vỏ dừa non cũng mềm hơn dừa bánh tẻ.
3. Cách làm:
Bước 1: Dừa non mua về gọt phần vỏ nâu bên ngoài, ngâm vào chậu nước có vắt 1/2 quả chanh để dừa trắng đẹp. Vớt ra thái dày gần bằng 1 cm, không nên thái mỏng quá vì sau dừa còn teo lại.
Bước 2: Rửa dừa đã cắt sợi trong nước nhiều lần, bao giờ thấy nước trong là được. Trung bình khoảng 8-10 lần là dừa trong nước. Mục đích rửa để dừa bớt dầu sau này sẽ không tiết ra dầu làm chảy nước.
Bước 3: Đun sôi 1 nồi nước, cho dừa vào chần nhanh trong khoảng 1 phút. Sau đó chắt bỏ nước, đổ dừa ra rổ cho ráo nước.
Bước 4: Ướp dừa theo tỉ lệ: 1 kg dừa với 500-600gr đường, không được cho ít hơn tỉ lệ trên vì nếu thiếu đường khi sên dừa không kết tinh được. Ướp từ 1-2h hoặc lâu hơn, nên ướp khoảng 4h mới mang ra sên.
Bước 5: Tạo màu cho mứt dừa
Nếu muốn tạo màu cho mứt các bạn có thể dùng các màu sau: lá nếp, trà xanh, cacao… cho mùi rất thơm.
Ngoài ra, còn có các màu: hoa đậu biếc, hạt dành dành, củ dền, lá cẩm là những màu tự nhiên đẹp nhưng mùi thì không được thơm nên khi tạo màu các bạn cho thêm vani dạng bột tạo mùi hấp dẫn hơn.
Bước 6: Sên mứt dừa
Dùng 1 chiếc chảo dày (chảo dày sẽ giúp nhiệt độ không quá cao và dừa cũng như đường không bị cháy).
Bật bếp cho chảo nóng già sau đó vặn nhỏ lửa rồi cho dừa vào đảo. Lúc này bạn cần tập trung và đảm bảo được các kỹ thuật đảo như sau:
Đảo đều, để dừa ngấm đều, đường không bị vón cục cũng như không bị cháy. Đảo nhẹ tay để dừa không bị gãy. Lửa để nhỏ vừa phải.
4. Cách bảo quản mứt:
– Bảo quản mứt dừa trong các túi nilon hoặc là hũ kín. Tốt nhất bạn nên bảo quản trong hũ thủy tinh kín khí.
– Khi bảo quản trong lọ đựng, bạn nên cho vào trong đó 1 lớp đường mỏng. Lớp đường sẽ có chức năng hút ẩm cho mứt, sẽ giúp bảo quản mứt lâu hơn.
– Nếu mứt của bạn bị hỏng, bạn có thể rửa lớp đường keo đó đi, tiếp tục ngâm đường và sên lại.