Description
Lúa Nàng Thơm có thể trồng được ở nhiều nơi, nhưng không ở đâu có hương vị thơm, dẻo, ngọt, ngon bằng trồng ở cánh đồng xung quanh khu Chợ Đào. Khi đem giống lúa Nàng Thơm trồng nơi khác chỉ sau một mùa màu hồng đặc trưng trong hạt gạo đã biến mất và chất lượng gạo theo đó cũng giảm đi rất nhiều.
Chu kỳ sinh trưởng và năng suất gạo
Lúa Nàng Thơm gieo tháng 6, 7 đến tiết đông chí (khoảng 21 – 22 tháng Chạp âm lịch) thì đồng loạt trổ bông. Điều đặc biệt là nếu có cấy lúa sớm trước 1 hoặc 2 tháng thì nó cũng chờ đến tiết đông chí mới trổ. Loại lúa này có chiều cao gấp đôi cây lúa bình thường với chu kỳ sinh trưởng 170 – 185 ngày (khoảng 6 tháng) nên một năm chỉ cấy được có một mùa.
Gạo Nàng Thơm tuy gắn với địa danh Chợ Đào nhưng lại chỉ trồng được ở 11 ấp thuộc xã Mỹ Lệ. Chiếm 500ha trên tổng số 900ha đất nông nghiệp của toàn xã nhưng thực tế chỉ có khoảng 30 – 40 ha trồng đúng giống lúa Nàng Thơm Chợ Đào nguyên chủng với năng suất khoảng 3,5 tấn/ha. Đặc biệt nhất, ngon nhất là loại gạo được gieo trồng trên đất thuộc 2 ấp Cầu Chùa và Rạch Đào.
Đặc điểm của gạo
Về hình dáng, hạt gạo Nàng Thơm Chợ Đào có dạng thon dài, khi bẻ đôi hạt gạo thì bên trong có màu hồng hạt lựu. Khi gạo mới gặt, sau khi chà xong như có một lớp dầu, chỉ cần đưa tay vào bao gạo, lúc đưa lên, một lớp gạo đã bám đầy tay.
Gạo đem nấu cơm, khi nước vừa sôi hương thơm bốc lên ngào ngạt, khi chín hạt cơm bóng mượt, vị thơm, dẻo, ăn rất ngon và đặc biệt để cơm qua đêm không bị thiu hay mất mùi thơm.